image banner
Nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong xây dựng chính quyền điện tử
Lượt xem: 94
Nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong xây dựng chính quyền điện tử

Thời gian qua, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử. Tổ chức và cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả. Đặc biệt, tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội.

Nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến 1.jpg

 

Lợi ích đối với người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 42/2022/NĐ-CP, cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 02 mức độ, gồm: Dịch vụ công trực tuyến một phần (mức độ 3), người sử dụng có thể điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4), người sử dụng có thể thực hiện thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến và việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Nếu so với việc thực hiện Dịch vụ hành chính công truyền thống thì việc sử Dụng dịch vụ công trực tuyến có rất nhiều lợi ích như: Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong việc đề nghị cơ quan nhà nước cung ứng dịch vụ công mà mình đang đề nghị và giảm áp lực giấy tờ công việc cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ công. Người nộp hồ sơ có thể tra cứu thông tin về trạng thái hiện tại của quy trình giải quyết hồ sơ đang giải quyết ở bước nào, đã chuyển đến cơ quan nào hoặc xem kết quả giải quyết thủ tục hành chính bất cứ lúc nào.

Với việc triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 như hiện nay thì tổ chức và cá nhân có thể nộp hồ sơ thủ tục hành chính đến các cơ quan hành chính nhà nước ở mọi nơi, mọi lúc chỉ cần có kết nối internet mà không phụ thuộc vào giờ làm việc hành chính. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ sẽ được thực hiện trên môi trường mạng. Điều này sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí văn phòng phẩm, công sức đi lại cho tổ chức và cá nhân, qua đó còn góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay.

Nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến 2.jpg

 

Tổ chức và cá nhân khi đến giao dịch tại Trung tâm PVHCC huyện được hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính mức độ 3, 4

Tại huyện Tân Thạnh, trong thời gian qua công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều năm liền luôn đứng tóp đầu thi đua công tác cải cách hành chính với các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Long An. Đối với công tác giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo trước hạn và đúng hạn với tỷ lệ trên 99%. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của huyện chưa cao, chiếm tỷ lệ khoảng 66%/tổng số hồ sơ. Việc thực hiện hồ sơ trực tuyến chủ yếu đối với các tổ chức (cơ quan, doanh nghiệp), còn đối với cá nhân (người dân) thì có phần hạn chế, chưa mạnh dạn thực.

Thời gian tới, huyện Tân Thạnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và của Quốc gia nhằm giúp cho người dân tiếp cận được đầy đủ thông tin thủ tục hành chính, cũng như thành phần hồ sơ và các bước thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, từ đó hình thành thói quen và sự tin tưởng vào kết quả giải quyết hồ sơ trực tuyến, góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, từng bước tạo nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện của Quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2030./.

 

Duy Thanh